Chia sẻ thực tế về giáo dục sớm và tập nói sớm cho bé

Chia sẻ thực tế về giáo dục sớm và tập nói sớm cho bé

Ngày trước, mỗi lần mình gọi điện về nhà, bà ngoại Minnie cứ nhắc là nhớ nói chuyện với Minnie thật nhiều. Vì ở xa nội ngoại, ba Minnie thì đi làm, ở nhà chỉ có 2 mẹ con, bà ngoại sợ ít được tiếp xúc sau này Minnie chậm nói.

Nghe ngoại nhắc miết mình cũng lo, vậy là cũng lo xa đi tìm hiểu vài phương pháp giúp con biết nói sớm. Kích thích thị giác và trí não mình thực hiện cho con từ sơ sinh.

Chia sẻ thực tế về giáo dục sớm và tập nói sớm cho bé
Chia sẻ thực tế về giáo dục sớm và tập nói sớm cho bé

Lúc Minnie gần 4 tháng tuổi (lúc con đã nhận biết người lạ và khóc) thì mình bắt đầu tập nói với con luôn.

5 tháng thì Minnie gọi Ba, Cha, Papa rõ ràng (chắc vì dễ phát âm nhất).

6 tháng gọi Mẹ, Mama, Lala (tên dì bé), Măm, Ạ…

10 tháng Minnie nói được nhiều từ rõ hơn như Bà, Ơi, Anh (tên bé), Âyda (nghe mẹ hay nói nên bắt chước), Nhà, Ngon, Vui, Dạ, Cá…Tới giờ ăn hoặc đói thì biết nhắc Mẹ, Ăn, Nhanh Nhanh… Ngủ dậy là kêu Đi Đi (ý là thích ra phòng chơi)…

14 tháng, Minnie đã có thể nhớ – gọi tên – phân biệt được hơn 100 con vật, đồ vật… lập lại ngay luôn những từ đơn và từ đôi đơn giản mà ba mẹ nói ra, từ nào khó nói quá thì nói tầm bậy xì lô xì la hà pu hà pi. Nghe mình hắc xì, em bé cũng nói Ắck Xì.

Mình thấy ưu điểm của việc biết nói sớm đó là :

  • Mình có thể hiểu được bé muốn gì để đáp ứng, và thật sự thì tụi nhỏ này nó biết hết, hiểu hết từ sớm luôn, chẳng qua không nói được điều nó muốn nên mới cáu khóc.
  • Biết nói, bé biết cách biểu đạt hơn. Ví dụ như mỗi bữa ăn, Minnie sẽ nói “Canh canh, cá cá, gà gà, xịt xịt…”, tự nói luôn cái con muốn để mình cho ăn.  Hoặc khi ị, Minnie sẽ kêu “ị ị” chứ không khóc như lúc trước, em bé còn tự chạy đi lấy cái bỉm (nếu ở gần) đưa cho ba nó rồi kêu  “ị ị”.
Giáo dục sớm và tập nói sớm mang lại những lợi ích cho sự phát triển của con
Giáo dục sớm và tập nói sớm mang lại những lợi ích cho sự phát triển của con

Mình rút ra một số kinh nghiệm Tập Nói Sớm cho bé như sau :

Cần chuẩn bị :

  • Hình Caro Đen Trắng (sử dụng lúc bé mới sinh đến 2 tháng tuổi)
  • Thẻ Chữ, Số màu đỏ nổi bậc, Thẻ Hình Ảnh về con vật, hoa, cây quả…., truyện ehon cho bé (sử dụng từ 3 tháng), sách vải, sách âm thanh, sách tương tác.
  • Máy ghi âm phát lại, hoặc đồ chơi Nhái Giọng Nói (mình mua con Xương Rồng nhái giọng), sử dụng lúc con trên 6 tháng (9 tháng mình mới phát hiện ra và mua hehe)
  • Đồ chơi giáo dục, tương tác như bảng vẽ từ, bút vẽ hữu cơ an toàn, đồ chơi phát nhạc, ghép hình …v..v
  • Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho con.

Thực Hành :

  • Lúc Minnie 0 – 2 tháng tuổi. Mỗi ngày (trong khung giờ cố định), mình cho con nhìn Hình Caro Đen Trắng trong 3 phút (để hình cách tầm mắt con khoảng 20cm). Mình từng đọc là phương pháp này kích thích trí não và giúp bé tăng tính tập trung cao độ về sau này.
  • Lúc bé tầm 3 tháng thì mình bắt đầu cho bé tiếp xúc thẻ hình màu, đọc truyện ehon cho bé nghe, bé rất thích luôn, dù nhìn thì kiểu ko biết gì hết, nhưng mà rất thích khi được làm quen ngôn ngữ. Nhất là thấy thích thú với những hình trong truyện. (Mẹ nên đọc giờ cố định và thường xuyên để tạo thói quen cho con)
  • Mọi người thường nói muốn bé nói sớm thì cứ nói chuyện với con thiệt nhiều. Đúng, phải nói chuyện với con nhiều, mà phải nói như thế nào nữa ?!
  • Từ 4 tháng, mình thường xuyên nói chuyện mọi lúc mọi nơi và nhấn mạnh vào từ muốn tập cho con bằng cách lập lại từ đó 3 lần. Ví dụ : “Minnie ơi, con gọi BA BA BA dậy đi làm đi”, “Ba Ba Ba đọc truyện cho Minnie nghe hi”. Trước lúc cho bú mình cầm bình sữa lên nói là “Bình Bình Bình, trong bình có Sữa Sữa Sữa mà con bú nè”. Khi tắm cho M, mình cũng nói “con coi nè, đây là Nước Nước Nước”… Làm gì cũng giới thiệu cho bé.
Ba mẹ cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bắt tay vào giáo dục sớm
Ba mẹ cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bắt tay vào giáo dục sớm

À mình thấy lúc đầu ko nên nói dài mà nên ngắn gọn, dứt điểm chữ thì bé dễ nhận biết hơn. Ví dụ như: “Đi NGỦ thôi” thay vì “Đã tới giờ đi ngủ rồi, mình đi ngủ nghe con”… Mình cứ lập lại đơn giản mỗi ngày như vậy thôi. Luôn nói chuyện, tạo thói quen tương tác qua về cho bé. Nói theo ngữ điệu của bé (bé xì lô xì la mình cũng xì lô xì la theo). Khi bé đã nói được nhiều từ đơn, từ đôi rồi thì mình lại “chuyển đoạn” nói thành câu dài hoàn chỉnh để tập câu cho bé, tránh trường hợp bé quen nói trổng.

– Tầm khoảng 7 tháng, mình bắt đầu dạy con bằng Thẻ Chữ và Thẻ Hình. Mình chỉ vào chữ trong hình rồi lập lại nhiều lần, ví dụ như Bà Bà Bà, Nhà Nhà Nhà, Em Em Em, Anh Anh Anh (rồi diễn giải thêm về từ đó như Bà là Bà Nội, Bà Ngoại á con nè..)… Chỉ vào hình ảnh gọi tên mấy con vật, củ quả rồi giới thiệu cho con nghe (kiểu cho con làm quen, nhưng mà khi con hứng thú thì mới nói, còn thấy bé lơ là thì cất luôn). Ví dụ giới thiệu đây là con CHÓ CHÓ CHÓ, thì nói thêm con chó kêu GÂU GÂU. Rồi hỏi lại bé : “Đây là con gì ???” “Aaa là con chó”, ”Con Chó kêu sao ?”, rồi tự trả lời luôn :”con chó kêu gâu gâu”, Haha như kiểu mình tự sướng vậy :))) Đừng nghĩ bé không biết gì. Bé nhận diện hết mọi thứ á, kích thích sự nhanh nhạy, phát triển trí tưởng tượng nữa. Lúc qua 1 tuổi thôi, Minnie đã phân biệt được tên từng bạn đồ chơi của bé.

– Ngang tầm 9 tháng, mỗi khi làm đồ ăn cho Minnie mình thường gọi cho mẹ mình nói chuyện chơi, bà ngoại Minnie hay hối mình “Làm Nhanh, Nhanh Nhanh cho em ăn”, rồi Minnie cũng nói theo bà ngoại là “Nhanh Nhanh”. Lần nọ mình đang xem video, em bé trong video nói “Đi Thôi”, tự nhiên Minnie nghe vào nói theo “Đi Đi”, thế là mình bật thêm thử mấy video em bé nói “Măm Măm” thì Minnie cũng lập lại i vậy. Mình nhận ra tầm đoạn này tụi nhỏ thích bắt chước, nhưng giọng trực tiếp từ mình có lẽ thân quen nên bé ko nói theo, mà nghe tiếng từ video bé lại nói theo. Thế là mua con Xương Rồng Nhái Giọng. Rồi cứ nói Nhấn Từ 3 lần như hồi 4 tháng cho con XR nhái lại, Minnie lúc đầu lạ, sợ, nhưng sau đó nói theo và thích nói nhiều lắm. Mẹ siêng đặt câu hỏi cho bé trả lời nữa nhé, để kích thích bé bật âm, như là “Con ăn ngon không ?”,”Con thích ăn cá hay ăn canh?”…v..v Lúc ngồi ăn cơm thì mình cũng giới thiệu cho con. Đây là Canh Canh Canh nè, Gà nè, Cá nè, Rau nè….mình nấu ăn hay làm việc nhà đều để Minnie trên xe đẩy cho theo mẹ, làm gì cũng giới thiệu với con, trong nhà có đồ vật gì thì cũng đem giới thiệu cho bé luôn, cứ luyên thuyên vậy từ từ bé nói theo luôn.

Giới thiệu mọi đồ vật trong nhà cho con
Giới thiệu mọi đồ vật trong nhà cho con

Mỗi khi con khóc hay bực tức vì vấn đề gì đấy, mình cũng thay con nói ra cảm xúc, để con hiểu được cảm xúc đó có tên gọi như thế, khuyến khích con bày tỏ cảm xúc về sau thay vì khóc (con không bày tỏ không nói ra được nên mới khóc). Việc để con hiểu được bản thân và cảm xúc mình thấy khá quan trọng, vì sau này khi con hiểu được thì thay vì gào thét khóc, con sẽ bình tĩnh hơn, con nói ra được điều mình muốn thì tâm cũng yên hơn, ít khi nhè chướng mà sẽ đối thoại rõ ràng với mình, mình cũng hiểu được con hơn. Giúp con nói ra được cảm xúc thật ra là cả một quá trình và mẹ phải hiểu con trước đã, ko phải khi nào con gào khóc là mẹ chạy lại ngay, mẹ quan sát trước, xem thử lúc đó tại sao con khóc, trước hết cho con xoã cảm xúc trước rồi mới ôm con xoa dịu và giúp con hiểu đúng cảm xúc. Vì khi con khóc nếu mẹ mất bình tĩnh thì chính mẹ cũng sẽ ko nhìn ra đúng được tại sao con lại khóc. Từ 10 tháng, mình nhớ lúc đó Minnie nói được từ “Sợ” thay vì khóc. Hồi đó mua bỉm hay gì được tặng con chó đồ chơi vặn nút là chạy và có nhạc. Vừa vặn lên là con chó chạy và Minnie khóc, lúc đó ba Minnie chơi với con, mình nấu ăn nghe tiếng con khóc, ba bé thì luôn miệng nói :”con chó thôi mà có gì mà sợ, có gì mà sợ”, mình bế con lên luôn vì biết khi đó con cần sự an toàn và con đang rất sợ, sao lại nói “có gì mà sợ” trong khi con đang rất sợ (cần giúp con hiểu đúng cảm xúc). Ba Minnie nói thôi cất con chó đi vì con sợ (ý  trốn tránh). Nhưng mình muốn con hiểu được cảm giác đó là sợ, và bạn chó đó ko có sao hết, ko có làm gì con hết, thay vì trốn tránh cất con chó đi. Thì mai lại, mình đặt con chó ở cách Minnie rất xa (đủ để con thấy an toàn), rồi mình bế con lại gần thì Minnie khóc, mình nói Minnie con sợ bạn chó à ? Cảm giác đó là sợ đó con, có mẹ đây, mẹ ôm con đây, lần sau nếu con cảm thấy sợ, thì con nói sợ nhé, sợ sợ sợ *mình diễn tả cho con thấy*, chứ con khóc oe oe oe *diễn tả* mẹ ko hiểu, con nói sợ sợ sợ nghe… buổi tối trước khi đi ngủ mình thường sẽ ôm con thủ thỉ và nói chuyện lại với con. Hỏi về những việc xảy ra trong ngày, “hôm nay Minnie gặp bạn chó rồi sao nhỉ?” “Ahhh Minnie khóc oe oe à”, “Rồi sao nữa nhỉ”… kiểu vậy, đến giờ vẫn thế, Minnie biết nói rồi thì trả lời mẹ còn lúc đó chưa biết thì mình tự hỏi tự trả lời…. Về phần con chó, vẫn đặt con chó ở đó, mỗi ngày mình nói chồng mình hoặc mình đến chơi vuốt nói chuyện với con chó để con thấy, dần dần con không sợ nữa.

Lúc này Minnie vẫn chưa nói ra từ “sợ” đâu. Sau đó một thời gian, trời sấm chớp rầm rầm, Minnie đang ngồi chơi trên giường nghe rầm thế là bò nhanh sang mẹ, con nói :”Sợ”… mình kiểu vừa vui vừa bất ngờ… cách một khoảng thời gian nhưng con vẫn nhớ, và hiểu được đó là cảm giác Sợ.

Nói chung là, các con có thể hiểu được hết. Kể cả mình nhớ mình từng đọc bài nào đó nói tiềm thức của con dưới 2 tuổi không hiểu được nghĩa phủ định, từ “Không” nên hãy luôn lệnh khẳng định. Nhưng mà mình vẫn dạy để con hiểu được phủ định, Minnie hiểu được – hành động – và nói được từ Không, những câu có nghĩ phủ định với từ Không đúng chuẩn (khoảng 17 tháng).

Giáo dục sớm, tập nói sớm bằng nhiều hình thức như hát
Giáo dục sớm, tập nói sớm bằng nhiều hình thức như hát

Từ 13m mình bắt đầu cho Minnie tiếp xúc màu sắc và hình khối, số học, dạy cho bé màu mọi lúc mọi nơi, thấy vật gì hình gì mình đều đọc tên màu và hình khối để giúp bé phát triển trí thông minh thị giác – không gian.

Tối trước khi đi ngủ thì mình đọc thơ và hát cho bé nghe để tạo một thói quen ngôn ngữ. Khi bé nói được từ đơn thì mình nói từng từ một của những câu trong bài thơ cho bé lặp lại, đọc theo mình, rồi đến từ đôi, rồi đến từng câu thơ. Cứ kiên nhẫn tương tác với con mỗi ngày, con tiếp nhận và hiểu hết. 16 tháng Minnie đã phân biệt đọc tên chính xác được số 1-10, hình khối (tim, hình vuông, hình tam giác, hình lục giác, hình thang, hình tròn, hình thoi, hình ngôi sao), đếm vèo vèo từ 1 đến 10, gọi tên chuẩn tất cả màu sắc, 17 tháng nói được câu dài có tư duy. 18 tháng đọc được hoàn chỉnh bài thơ dài 8 câu 24 từ và hát được nhiều bài hát… 20 tháng bé đã giao tiếp thường ngày được rất tốt, nói câu đều chuẩn và có tư duy như người lớn vậy, kiểu tự nhận thức và tư duy, ví dụ như :

– Bé đang với cái cây hoa, nhón chân với với, mình đi đến, bé nói :”Cây cao quá, mẹ lấy cho con, dạ, cám ơn mẹ” hoặc Bé ăn cơm thường cầm chén lên húp canh, hôm đó ăn bằng bát lớn, bé cầm lên nói “Nặng quá, mẹ cầm giúp con”, thức ăn nóng bé kêu :”nóng quá, mẹ Mim thổi”, mình nấu Nui Thịt, bé nói :”Thịt cứng, con không ăn, ăn nui thôi”, khi ăn no bé đưa chén cho mẹ, nói :”mẹ dọn, dạ con cám ơn mẹ”, đang ngồi chơi Minnie sờ chân mình rồi nói :”chân mẹ Mim lạnh quá”, mình đi ra phòng là hỏi :”mẹ Mim đi mô rứa ?”, “mẹ Mim làm chi rứa ?”…..

Những từ cảm nhận như “cao quá, nặng quá, thổi, cứng, nóng, lạnh…. Hay những câu hỏi của bé, mình không dạy, là nàng tự tư duy, nên mới thấy các bé thật sự hiểu hết, và nhận thức hết những gì ba mẹ nói và làm thường ngày, Minnie nói nhiều nên mình mới biết con hiểu hết mọi thứ.

Từ khoảng 18 tháng, khi con đã nói được câu tiếng việt dài, từ ngữ rõ ràng, có tư duy. Thì mình bắt đầu tìm hiểu để tiếp cận tiếng anh với con. Ban đầu mình định cho con học qua các app trên Ipad, nhưng suy đi nghĩ lại ở độ tuổi của con mình thiết nghĩ vẫn chưa nên tiếp cận công nghệ gây nghiện làm gì. Mình chỉ cho con xem Tivi (15 phút, trong một khung giờ cố định trong ngày, khoảng cách ngồi phù hợp) và tìm mua những món đồ chơi tương tác tiếng anh cho con. Con chơi mà học, ở tầm này các bé hấp thu ngôn ngữ mới nhanh thật sự luôn, Minnie đếm số, đọc bảng chữ cái, từ vựng, hiểu tương tác câu hỏi trả lời rất tốt… đúng chuẩn giai đoạn vàng!!!

Khi sinh ra, bộ não con trắng trơn hoàn toàn. Từ 0 đến 3 tuổi não con sẽ lấp đầy 80%. Vì thế, hãy luôn cẩn trọng những gì con nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy trong giai đoạn vàng này nhé.

Từ 0 - 3 tuổi có thể nói là giai đoạn vàng để dạy con
Từ 0 – 3 tuổi có thể nói là giai đoạn vàng để dạy con

Chúng ta dành cả cuộc đời cho công việc, bạn bè, kiếm tiền,… nhưng giai đoạn vàng để kích thích, khai mở giác quan và các chỉ số thông minh AQ, IQ, EQ, SQ,…cho con thì chỉ có 1. Hãy tận dụng khoảng thời gian quý báu này bên con. Cũng nhờ Minnie nói được nhiều và có tư duy tốt, con bộc lộ được cảm xúc qua lời nói nên con vượt bão rất tốt, không thấy “khủng hoảng tuổi lên 2” của con.

Lưu ý:

  • Lúc tập cho bé nói, mình cho bé Nghe Nhạc Trẻ Em Tiếng Việt mỗi ngày (là: Tiếng Việt. Mình không bật nhạc Tiếng Anh cho bé, vì sợ sẽ làm con bị rối loạn ngôn ngữ). Khi con đã nói được tiếng việt tốt, mình mới bắt đầu bật nhạc Tiếng Anh, và thấy hiệu quả.
  • Cho con xem TV lưu ý cần đúng cách và có sự tương tác cùng con (vì nếu để mặt con xem quá nhiều, sai cách, bé thụ động, thiếu sự tương tác qua về cũng dẫn đến lười nói). Quan điểm của mình không sử dụng Đt và Ipad ở độ tuổi này. Rất nhiều trường hợp chậm nói, tự kỉ, tăng động, đau mắt sớm, gây hại với con vô cùng vì sử dụng điện thoại, ipad, tv quá mức.
  • Bên cạnh đó cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và giấc ngủ sâu để con có thể phát triển trí não tốt nhất. (Bổ sung D3 mỗi ngày, có lịch sinh hoạt ổn định, tập nếp ăn – bú – ngủ khoa học, hình thành thói quen tốt ngay từ đầu, ăn đúng cách, tăng thô đúng thời điểm và luôn đảm bảo đủ 4 nhóm chất : tinh bột, đạm, chất béo và vitamin trong bữa ăn của bé).

Mình luôn có niềm tin rằng :”Tất cả em bé được sinh ra đều là thiên tài” và mình luôn mong muốn rằng ở độ tuổi dưới 3 tuổi các con được chơi, được học và được tương tác sự vật sự việc cùng người thân nhiều nhất, thay vì tiếp cận công nghệ điện tử gây nghiện sớm.

37 Responses

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked*