Mình nhớ mãi, cái ngày mình hạnh phúc, tan chảy vô cùng khi nghe Minnie nói : “Con yêu mẹ nhất trên đời”, lúc ấy cô bé khoảng 17 tháng tuổi, bắt đầu giao tiếp câu dài và có tư duy. Lần đầu con biết nói :”con cảm ơn mẹ, con xin lỗi mẹ, con yêu mẹ”.
Minnie không phải tự nhiên mà nói “Yêu Mẹ”… trước đó là cả một khoảng thời gian dài để giúp con nhận thức được yêu thương và nói ra lời yêu thương.
Mình thấy, ba mẹ nào cũng yêu con, thương con hết mực, nhưng ngày xưa người ta thường “ngại” nói ra, ít khi bày tỏ yêu thương với con. Nhưng “yêu mà giữ trong lòng” thì ai mà hiểu, ai biết được.
Dẫn đến, khi con cái lớn lên, cũng yêu thương ba mẹ nhưng không biết cách để bày tỏ, không biết cách để bộc lộ đúng cảm xúc của bản thân. Ba mẹ và con vì thế mà trở nên xa cách.
Mình có đứa bạn, mẹ nó bị bệnh, nó khóc và lo lắng cho mẹ giữ lắm, nhưng bảo nó gọi hỏi thăm, động viên mẹ thì nó không, lý do : nó không quen nói chuyện với mẹ, khi gọi điện thì “ngại”, mở miệng không ra, dù cảm xúc dành cho mẹ lớn lắm, nhưng không nói ra được, QUEN vậy rồi. Ai không hiểu có thể trách nó kỳ cục, đó là Mẹ cơ mà??? Nhưng không, mình hiểu, đó là hệ luỵ của cả một khoảng thời gian dài tạo nên thói quen xa cách đó.
Chúng ta thường có những cái “ngại” không nên có lắm. Ví như có những người từng quen thân rất thân nhưng lâu năm không gặp, bỗng nhiên vô tình gặp nhau, “Ngại” không biết nói gì, thế là “Lơ” nhau luôn. Khi đấy hẵn cả 2 đều suy nghĩ hiểu lầm nhau, kiểu: “à nó cũng lơ mình mà, hoá ra nó cũng có coi trọng mình đâu”… vậy là mất đi một mối quan hệ từng rất thân chỉ vì cái “ngại”. Thật ra chỉ cần một bên tự nhiên mở lời chào, chí ít sẽ nhận được những nụ cười vui với nhau, thế cũng đủ mà!!!
Quay lại vấn đề, mình có một đứa bạn khác, nó cãi nhau với ba nó, sau đấy nó biết nó sai rồi, nhưng nhất quyết nó không nói xin lỗi. Nó bảo : Quen rồi!… vậy đấy, thói quen nó tạo khoảng cách giữ lắm. Hẵn là ba nó sẽ rất buồn và nghĩ con mình là đứa vô tâm, không hiểu chuyện… nhưng thật ra không phải, mọi chuyện đều có lý do của nó và mọi hệ luỵ đều được hình thành từ những thói quen dài từ khi còn bé đến tận bây giờ.
Được mấy ai lớn lên có thể thoải mái ôm mẹ, nói “yêu mẹ” khi thương mẹ, nói “nhớ mẹ” khi nhớ mẹ, nói “xin lỗi” khi làm sai, “cảm ơn” khi biết ơn. Những câu nói tưởng chừng rất đơn giản nhưng rất khó để mở lời. Rồi cứ quen giấu trong lòng mãi như vậy, cho đến khi không còn ba mẹ nữa, muốn được bày tỏ cũng không còn cơ hội nữa rồi.
Ba mẹ thường dạy con học môn này học môn kia, kỹ năng này kỹ năng khác, nhưng quên mất điều quan trọng nhất là giúp con cảm nhận tình cảm, hiểu được cảm xúc và dạy con cách để thể hiện yêu thương. Con sống biết yêu thương ba mẹ sẽ biết yêu thương mọi người, con hiểu bản thân và biết cách thể hiện cảm xúc sẽ giúp con được sống thật hơn với chính mình, giúp con tự tin hơn, thoải mái hơn, chủ động hơn và hạnh phúc hơn trong cuộc sống.
Hằng ngày, mình thể hiện tình cảm và nói yêu con rất nhiều, mỗi khi có thể thì đều nói cho con hiểu như vậy là yêu, là thương đó con. Trong đó có 4 thời điểm được lặp đi lặp lại mỗi ngày thành quen :
Mỗi sáng thức dậy, mình và chồng sẽ chào con rồi nói lời yêu thương : “Chào Minnie buổi sáng, chào ngày mới con gái, con là em bé hạnh phúc, ba/ mẹ yêu con rất nhiều”
Sáng trước khi đi làm và sau khi làm về, chồng mình thường sẽ hôn chào hai mẹ con, mỗi lần như vậy mình lại nói : “ba yêu mẹ, ba yêu Minnie, mẹ cũng yêu ba rất nhiều, Minnie có yêu ba không?”.
Tối trước khi đi ngủ, mình sẽ nằm thủ thỉ và lại nói lời yêu con :”mẹ yêu con nhất trên đời, mẹ yêu con nhiều lắm Minnie biết mà đúng không? mẹ thương Minnie nhất, mẹ yêu Minnie nhất”…
Và một tối đẹp trời lúc 17 tháng, bé con đã đáp trả lại mẹ : “con yêu mẹ nhất trên đời”… mình đã phải xác nhận đi xác nhận lại, hỏi con : “Con” là ai? Ai yêu mẹ nhất?. Bé con đáp trả : ”Minnie yêu mẹ nhất”, tan chảy tim tôi.
Đấy cũng là lý do tại sao mình dạy con rất nghiêm, Minnie cực kì sợ mẹ, rất sợ mẹ, nhưng vẫn thích đòi mẹ và yêu mẹ vô cùng. Vì trong tiềm thức của con con cảm nhận được yêu thương, con hiểu được mẹ yêu con rất nhiều dù có chuyện gì đi nữa. Chính vì hiểu như thế, con cũng hiểu được những lần mẹ nghiêm với con thì đó là giới hạn, và đó là điều không nên, con dễ dàng đón nhận, hiểu chuyện hơn thay vì những cảm giác tổn thương, những cảm xúc lầm tưởng không đáng có
Add a Comment